Tập sách này cho chúng ta một cơ hội hiếm hoi, để chúng ta có thể nhìn ra và tiếp cận được với các giáo lý tâm truyền tâm của Tôn Sư Garchen Rinpoche về thiền, là những giáo lý mà Ngài đã ban truyền tại Trung Tâm Drikung Dharma Surya vào tháng 8 năm 2015. Tôn Sư Garchen Rinpoche hiện đời – đời thứ 8, là một vị đạo sư Tây Tạng, một vị du già sư chứng ngộ, một vị thầy thiện xảo và cũng là một vị Ân Sư yêu quý của rất nhiều người trong chúng tôi. Ngài là hóa thân của một vị du già sư thành tựu có tên gọi Gar Chodingpa vào thế kỷ thứ 12, là một trong các tâm tử của Đức Kyobpa Rinpoche – Jigten Sumgon, là vị Sơ Tổ khai sáng dòng truyền thừa Drikung Kagyu, một dòng truyền thừa đã khởi nguồn từ đại dịch giả Marpa Lotsawa và đại du già sư danh tiếng nhất Tây Tạng là đức Milarepa.
Tập sách này bao gồm các lý giải liên quan đến công phu thực hành Shamatha (Thiền chỉ hay thiền an định) và các giai đoạn thiền tập Sinh Khởi vốn có thực tánh là Bồ đề tâm tương đối, cùng với các thực hành Vipassna (Thiền minh sát) và các giai đoạn thiền tập Viên Mãn vốn có thực tánh là Bồ đề tâm viên mãn, tức là tự tâm bản nhiên tối hậu. Các công phu thực hành Shamatha và Vipassana chính là nền tảng cho thiền Đại thủ ấn (Mahamudra), Đại viên mãn (Dzogchen) và Trung quán (Madhyamaka).
Cho dù tập sách này tập trung nhiều hơn về các phương pháp thiền và thực hành từ góc độ của các kinh nghiệm thiền định, nhưng tập hợp các bài viết trong đây cũng rút tỉa ra phần tâm yếu của các giáo lý của Phật đà cùng với các hướng dẫn của Garchen Rinpoche về toàn bộ con đường Phật đạo – về định luật không thể sai chệch của nhân quả, tánh Không và Bồ đề tâm như là cơ bản của tất cả công phu hành trì giáo pháp. Tôn Sư Garchen Rinpoche thường nói rằng, “Tình yêu là nhân duy nhất của hạnh phúc… Tình yêu là ánh dương của tâm… Phật không ở đâu khác ngoài tâm ta… Bất kỳ khi nào con thiền thì tâm chúng ta sẽ đồng nhau…Khi con có tình yêu vô bờ bến cho tất cả chúng hữu tình, con sẽ thể chứng được bản tâm một cách tự nhiên như nhiên.”
Vậy lợi ích của việc thực hành Shamatha hay thiền chỉ là gì? Đó là vì không ai trong chúng ta không gánh chịu cảnh khổ. Mọi người đều phải chịu khổ đau; mọi người đều có những nỗi khổ nào đó, tuy nhiên qua việc hành thiền thì trước tiên, các nỗi khổ sẽ tạm thời lắng dịu và rồi sẽ biến mất. Do đó, đầu tiên là sẽ có được lợi ích tạm thời, rồi bước tiếp theo sẽ là sự giải thoát vĩnh viễn khỏi khổ đau. Cuối cùng, chúng ta sẽ đạt đến trạng thái đại hỷ lạc vượt thoát mọi khổ đau.
Nếu chúng ta không hiểu biết, không biết cách hành thiền thì chúng ta sẽ gặp vấn đề gì? Đó là đau khổ sẽ luôn luôn có mặt. Mọi ô nhiễm đều bắt nguồn từ đau khổ. Trong sinh tử luân hồi của người và chư thiên, chúng ta cũng có được một chút ít hạnh phúc. Nhưng rồi cuối cùng hạnh phúc cũng biến thành khổ đau. Chư thiên và loài người đều phải chịu hoại khổ. Trong các cõi thấp, chúng sinh đều chịu khổ khổ. Tất cả chúng sinh đều phải chịu hành khổ (là khổ đau trùm khắp). Mọi loài đều phải gánh ba loại khổ. Còn nếu chúng ta thông thấu tri kiến và các cách thực hành – tri kiến của thiền Shamatha và thiền Vipassana – và theo đó mà thực hành, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi các khổ đau như thế.
Link sách điện tử pdf: https://drive.google.com/file/d/1Aa2SMZl6IuKkzb-da1aD5gmTahmey_Rj/view?usp=sharing